| Yêu và sống
Tiếng Việt gốc Khmer trong ngôn ngữ của Miền Tây Nam Bộ
Khu vực miền Tây Nam Bộ có rất nhiều người sử dụng tiếng Khmer vì vậy tiếng Khmer đã được Việt hóa. Mời các bạn tham khảo bài viết, được sưu tập bởi giáo viên tiếng Khmer của trung tâm tiếng Khmer SGV.
Tiếng Việt gốc Khmer trong ngôn ngữ bình dân ở miền Tây Nam Bộ - Nhìn từ góc độ ca dao:
Theo "Cơ sở văn hoá Việt Nam" của Trần Quốc Vượng (chủ biên), phần được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 4.000 km2, chủ yếu là vùng đồng bằng, xen với các vùng trũng như Đồng Tháp Mười ở hai bên sông Tiền, tứ giác Long Xuyên ở phía Tây sông Hậu, là những hồ nước thiên nhiên góp phần điều hoà lưu lượng cho sông Cửu Long vào mùa nước nổi tháng 9, tháng 10. Ngoài khơi là vùng biển nông, có nhiều đảo và quần đảo như Côn Sơn, Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc, cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang.
Chủ nhân văn hóa và ngôn ngữ.
Những năm cuối TK XVII, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính vào kinh lý miền Nam. Đến năm 1779 thì cương vực của phủ Gia Định đã bao trùm toàn vùng Nam Bộ hiện nay. Kể từ thời điểm đó, những người Việt ở miền Trung, miền Bắc đã vào vùng Đồng Nai, Gia Định khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, rồi tiến dần xuống vùng đất Cửu Long.
Người Khmer ở ĐBSCL hiện nay ước khoảng 1.3000.000 người, tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh Sóc Trăng (khoảng 400 ngàn), Trà Vinh (khoảng 320 ngàn), Kiên Giang (khoảng 204 ngàn), An Giang (khoảng 85 ngàn), Bạc Liêu (khoảng 60 ngàn), Cần Thơ (khoảng 39 ngàn), Cà Mau (khoảng 24 ngàn), Vĩnh Long (khoảng 21 ngàn).
Là một tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Khmer đã sinh sống lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Khmer có tiếng nói và chữ viết riêng, nhưng cùng chung một nền văn hoá, một lịch sử bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam.
Đồng bào Khmer sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp. Chính trong đời sống cộng cư ấy, sự ảnh hưởng qua lại giữa tiếng Khmer và tiếng Việt diễn ra như một quy luật tất yếu của ngôn ngữ.
Trong bài này, chúng tôi không có tham vọng gì hơn là chỉ tìm đọc, và học thêm những chữ có liên hệ giữa tiếng của người Kinh và Khmer, liệt kê ra đây một số câu ca – vốn là lời ăn tiếng nói có trong dân gian, hầu truy tầm căn nguyên của chúng.
Tiếng Viết gốc Khmer qua ca dao Tây Nam Bộ.
1. Những tiếng Khmer còn giữ nguyên gốc trong tiếng Việt.
Những chữ Việt gốc Campuchia thông dụng trong tiếng Việt. Dân Việt đã ký âm những chữ này bằng cách dùng mẫu tự tiếng Việt. Chúng ta đã dùng những chữ loại này vài thế kỷ nay, đến nỗi chúng ta không biết nó từ đâu mà có, chỉ cần hiểu nghĩa và dùng chúng như những chữ Việt thông dụng khác. Song, số lượng những từ ngữ nguyên gốc này xuất hiện trong ngôn ngữ phổ thông của tiếng Việt không nhiều.
Xneng là dụng cụ đươn bằng nang tre, trúc của người Khmer, có hình như cái xuổng. Người bình dân dùng để xúc cá, tép ở những nơi có nước cạn, cỏ hoang mọc đầy. Câu hát của người nào đó đã cất lên vẳng văng trên cánh đồng thửa ruộng:
Chiều chiều lấy cái xneng
Lên đồng xúc cá hái sen một mình.
Ở một câu ca khác:
Thằn lằn cụt đuôi ai nuôi mày lớn
Dạ thưa thầy con lớn mình ên.
Khmer có êng: một mình, chuyển sang Việt ngữ mất chữ g thành ên cũng mang nét nghĩa một mình.
Hay:
Xa em nhớ vị sim lo
Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo.
Sim lo (hay sum lo) là món canh của người Khmer nấu bằng bầu, hay lá bình bát dây, đặc biệt nó được nêm bằng mắm bò hóc (prahok), đây là từ người Việt mượn nguyên mẫu để sử dụng.
Cái nóp đã gắn liền với quân dân Nam Bộ thành đồng. Nóp cũng là tiếng Khmer còn giữ lại nguyên gốc, nó chuyển sang tiếng Việt bằng phiên âm mà thôi:
Vai mang cái nóp tay xách cái lọp cái lờ
Về miền đồng chua nước mặn đặng nhờ miếng ăn.
Cái lộp theo tiếng Khmer là dụng cụ đan bằng tre, dùng để bắt cá tôm. Một đầu của lộp có hom bện bằng tre vót cỡ chiếc đũa ăn, hình phễu, cá tôm, rùa rắn vào được nhưng không thể ra. Nông dân miệt này ai cũng biết, cũng dùng lộp để bắt thuỷ sản.
2. Những từ Khmer được Việt hoá.
Từ tiếng Khmer nhưng khi đi vào tiếng Việt, người Việt, người Hoa có cách phiên âm của riêng mình. Dần dần nó bị chuyển cả về hình thức ngữ âm, lớp từ này khá phổ biến trong ngôn ngữ bình dân vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Có điều người ta nói, người ta viết nhưng ít khi chú ý nguồn gốc của nó có từ đâu.
Những từ chỉ địa danh.
Trong số 13 tỉnh thành ở vùng đất Chín Rồng thì có đến hơn nửa trong số các danh từ riêng ấy hoặc là có từ gốc Khmer hoặc còn tồn nghi về gốc Khmer của nó. Có thể kể như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau.
Từ vùng đất mũi còn vang vọng lời ca :
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trong rừng cọp um.
Cà Mau là từ Việt hoá của tiếng Khmer là Tuk Khmau, nghĩa là nước đen mà thành. Nguyên cớ là vùng rừng U Minh gồm Cán Gáo, Tân Bằng, Trèm Trẹm, Cái Tàu và phía bên hữu ngạn sông Ông Đốc, nước ngập quanh năm, nước tích tụ lâu ngày chảy ngang qua rừng đầy lá mục của dừa nước, tràm, gừa ráng, choại, dớn, lát, sậy, năn, cỏ nước mặn nên nước màu vàng đậm như nước trà, nhiều khi đen, có mùi hôi và vị phèn chua, mặn.
Về đất Ba Xuyên nghe câu hát :
Chợ Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng,
Anh thương em là thương lời ăn tiếng nói dịu dàng,
Chớ không phải anh vì bạc vì vàng mà thương.
Theo Lê Hương thì Sóc Trăng là do tiếng Khmer đọc trại ra từ chữ Srok Tréang có nghĩa là bãi sậy vì ngày xưa đất Sóc Trăng có nhiều lau sậy hoang vu. Ông còn nêu truyền thuyết khác, theo đó thì đất này (tại ấp Sóc Vồ ngày nay) vào thời Nguyễn, giặc Xà Na Téa và Xà Na Tua dùng làm kho chứa bạc, kho chứa vũ khí, kho chứa lương thực chống lại triều đình. Do đó Sóc Trăng là do chữ Srok Kh'leang đọc trại mà ra.
Vương Hồng Sển lại cho rằng: Theo quyển Petit Cours de Géographie de la Basse Cochinchine par Trương Vĩnh Ký thì Sốc Trăng (Sóc Trăng) là tên dân gian của Nguyệt Giang tỉnh (tỉnh Sông Trăng). Tên này có nguồn gốc Khmer là Péam prêk sròk khlẵn (di cảo Trương Vĩnh Ký trong le Cisbassac).
Péam là vàm, prêk là sông, sròk là sốc, khlẵn (kh'leang) là kho bạc. Nguyên đời vua Cơ Me (Khmer) có đặt một kho chứa bạc nơi đây. Đến đời vua Minh Mạng, đổi tên chữ ra Nguyệt Giang tỉnh vì triều đình đã ép chữ sốc biến ra chữ sông, chữ kh'leang ra trăng và đổi thành nguyệt. Nhà học giả này còn khẳng định Sóc phải viết có dấu ô, tức Sốc mới đúng!
Qua cầu Rạch Miễu đến quê hương Đồng Khởi, xứ dừa :
Bến Tre nhiều gái má hồng
Không tin thì xuống Mỹ Lồng mà coi.
Theo cụ Vương Hồng Sển thì Bến Tre vốn là xứ sinh sản và sản xuất nhiều cá tôm, cho nên xưa, người Khmer gọi là Srok treay (đọc là sốc tre), nhưng sau này người Khmer gọi theo người Kinh là bến có nhiều tre để phân biệt với địa danh Cần Thơ, cũng có nhiều tre, người Khmer gọi tre là rusei, nên có hai địa danh rành rẽ: prêk rusei (sông tre): chỉ Cần Thơ/prêk kompong rusei để chỉ Bến Tre.
Hội nghiên cứu cổ học Đông Dương, năm 1903 ấn hành quyển khảo cứu đặc biệt (monographia) về tỉnh Bến Tre trong đó có đoạn (lược dịch): Bến Tre xưa, người Khmer gọi là sốc tre, vì trong xứ trên các giồng có tre mọc đầy. Cụ Sển cho biết thêm “theo tôi (tức Vương Hồng Sển) đây là dịch sai hai chữ Bến Tre. Tre đây là treay của Khmer, phải dịch là cá (…). Lẽ đáng gọi Bến Tre là Ngư Tân, hoặc Bến Cá: srok kompong treay”.
Mỹ Lồng là địa danh nổi tiếng với nghề làm bánh tráng ở đây (Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc). Mỹ Lồng có nguồn gốc từ chữ Srok Mi Lôn = xứ, xóm của nàng tên Lôn.
Ngược lên vùng Bảy Núi, có câu:
Anh về xứ Chắc Cà Đao
Bỏ em ở lại như dao cắt lòng.
Chắc Cà Đao: Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Học giả Vương Hồng Sển, ghi lại hai giải thích là:
Theo ông Nguyễn văn Đính, thì địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng nầy xưa kia có nhiều cua. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek = rạch; pédao = loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.
Và ông nghĩ rằng giả thuyết của Nguyễn Văn Đính hợp lý hơn.
Trở lại Tiền Giang khảo chứng từ Mỹ Tho:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ.
Người Khmer thời trước gọi vùng đất Mỹ Tho là srock mé sa, mi so (di cảo Trương Vĩnh Ký trong le Cisbassac). Nghĩa là xứ (srock) có nàng con gái (mé) có nước da trắng (sa, so). Khi sang Việt ngữ, dân gian gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ srock,chỉ còn giữ lại mi so và biến âm sang mà thôi.
Vượt cầu Cần Thơ về lại Phong Điền:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.
Vương Hồng Sển khẳng định chắc chắn rằng Cái Răng là vùng kênh rạch ngày trước có nhiều ghe của người Khmer chở cà ràn đi bán. Cà ràn là lò bằng đất nung, có hai phần, phía trước rộng là chỗ chứa củi đang chụm, vừa là nơi chứa tro và than đỏ để làm thành cái bếp nướng (nướng kẹp tre), và phần lò lửa, trên miệng có gắn 3 cái chấu (ông táo) để bắc nồi ơ.
Cà ràn thông dụng trong vùng Tân Châu, Châu Đốc, ở nhà sàn, đáy của cà ràng giữ vai trò bảo vệ cái sàn chống hỏa hoạn. Tương tự, cà ràng cũng rất được dân chài lưới, hoặc những ghe có người sống như nhà lưu động ưa dùng vì tiện lợi. Chính từ cà ràn được các bản đồ thời Pháp phiên âm thanh caran và biến âm dần thành Cái Răng như ngày nay.
Vàm có nguồn gốc từ tiếng Khmer: péam = cửa sông, nơi một con sông nhỏ (rạch) chảy vào con sông lớn. Ở đồng bằng miền Tây Nam Bộ có nhiều sông rạch, do đó có rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ vàm như Vàm Cống (thuộc Gò Công), Vàm Nước Trong (Kiến Hòa), Vàm Sông Thượng (Cần Thơ), Vàm Nao (An Giang), Vàm Tấn ở Sóc Trăng.
Anh qua Vàm Tấn anh đến Cù Lao
Cho anh xin chút má đào của em.
Trương Vĩnh Ký có nói chữ péam trong tiếng Khmer có nghĩa là vàm thì theo ông Vương Hồng Sển, dẫn theo La Cochichine et ses habitants của Baurac, trang 362 thuật lại rằng trào đàng cựu, cho đến lối 1858, vàm Đại Ngãi còn được gọi là Vàm Tấn (péam senn), là một bến nước quan trọng tiếp đủ các thuyền đi biển đủ hạng từ trung Quốc, Tân Gia Ba, Xiêm La, Cam Bốt tụ tập rất náo nhiệt để trao đổi, mua chác lúa gạo, tơ lụa, hàng vải, cá mắm, mắm muối, đồ gốm, chén bát, sừng trâu, ngà voi, lông chim, sáp, mật ong. Đại Ngãi là từ Hán Việt của địa danh này.
Ở một câu ca khác:
Nước Ba Thắc chảy cắt như dao
Con cá đao bổ nhào vô lưới
Biết chừng nào anh mới cưới đặng em.
Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký, Ba Thắc là Păm prek Bàsàk. Đây là tên gọi tiếng Khmer của một vị thần hay còn gọi là nặc tà, ông tà của người Khmer, có miếu thờ ở Bãi Xàu cũ. Đại danh Ba Thắc bên Campuchia cũng có.
Tương truyền ông Ba Thắc là một vị hoàng tử người Lào đến sống vùng đất trên đường đi Tham Đôn, Mỹ Xuyên ngày nay. Khi ông chết người dân quanh vùng lập miếu thờ. Lúc đầu miếu được cất theo kiến trúc Khmer bằng cây nhưng về sau, năm 1927, ông Lê Văn Quạnh và một số thân hào trong vùng đã cất lại miếu theo kiến trúc Trung Hoa dạng bán cổ bán kim và đề là Ba Thắc Cổ miếu. Di tích này đến nay vẫn còn.
Còn rất nhiều địa danh trong các câu ca dao miệt này, nhưng do khuôn khổ bài viết chúng tôi chỉ liệt kê những địa danh ấy và nguồn gốc Khmer để tham khảo: Bạc Liêu có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Pooeu, nghĩa là cây lầm vồ (cây bồ đề - cây linh thiêng của đồng bào Khmer bởi họ cho rằng dưới gốc cây này Đức Thích Ca hoá Phật), người Triều Châu là chuyển âm thành Pô Léo có nghĩa lính Lèo, lính Lào, (Ai Lao).
Vĩnh Long ( đất này người cố cựu còn gọi là đất Vãng gần với Vũng. Từ địa danh Vũng Luông – Kompong Luông; biến dần ra Vũng Luông, rồi Vãng Luông. Tên Vĩnh Long có từ năm 1832 khi vua Minh Mạng đổi ra Hán tự).
Đồng Tháp Mười (tiếng Khmer là Thnor Mo Roy nghĩa là đường lộ (thnor), số 100 (mo roy), Đồng Tháp Mười còn có tên khác nữa là Présah Préam Loveng); tiếng Việt gọi Đồng Tháp Mười tức chỉ vùng đồng có cái tháp mười tầng, hiện tháp đã không còn, chỉ còn lại vết tích của nền đất và trong ký ức của những lão nông tri điền.
Châu Đốc (người Khmer gọi là srôk (xóm, xứ) méât (miệng mồm) cruk (heo): xứ miệng heo); Kế Sách, một huyện của Sóc Trăng, nằm ở gần cửa Ba Thắc (một cửa của sông Củu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu, rất thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát tiếng Khmer là K'sach, như vậy Kế Sách là sự Việt hoá tiếng Khmer: k'sach.
Sa Đéc, thị xã của tỉnh Đồng Tháp xuất phát từ Phsar Dek, phsar là chợ, dek là sắt); Trà Vang hoặc Trà Vinh xuất phát từ âm Khmer: Préah trapéang, và gắn liền với sự tích: không biết có từ bao giờ, năm đó, trong một trận nước lụt dân làng thấy một tượng Phật trôi tấp vào bờ ao, liền rước về một gò cao, cạnh đó xây chùa thờ phượng.
Chùa được đặt tên Bodhisalareaj, nay gọi là chùa Ông Mẹt, tên vị sư cả đầu tiên. Trapéang được Việt hóa thành âm Trà Bang, rồi Trà Vang, sau bị nói trại thành Trà Vinh. Ở vùng Ngã Năm (Sóc Trăng) đi Long Mỹ (Hậu Giang) cũng có địa Trà Ban (trapéang: ao vũng) cùng nét nghĩa và nguồn gốc vừa phân tích.
Những danh từ chỉ động, thực vật, đồ vật.
Ngoài những địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer đã được Việt hoá còn có những từ gốc Khmer khác chỉ các loài động, thực vật hay đồ vật cũng đi vào ngôn ngữ tiếngViệt và tham gia bình đẳng trong các hoạt động giao tiếp thường nhật.
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Cá chốt, tiếng Khmer là trey kanchos, khi đi vào ngôn ngữ phổ thông nó đã được Việt hóa thành chốt.
Tương tự là từ cá lóc trong câu ca:
Trời mưa mát đất, con cá lóc nó thoát khỏi nò
Cả tiếng kêu người nghĩa trên bờ
Vậy chớ mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm.
Tiếng Khmer có trêy rot chỉ một loại cá nước ngọt, cá này có rất nhiều ở vùng đồng bằng Cửu Long. Ở Bắc, Trung Bộ gọi là cá chuối, cá quả, cá tràu.
Bầu dùng chỉ một loại ghe lớn. Tiếng Khmer có xòm pầu tức ghe bầu; nói chi xòm pầu nghĩa là đi ghe bầu. Ca dao có câu:
Con quạ nó đứng đầu cầu
Nó kêu bớ má ghe bầu vô chưa?
Một loại ghe khác là ghe chài, danh từ ấy cũng được kết hợp hết sức độc đáo:
Chú tôi trồng mía trồng khoai
Bớ thím ghe chài lấy chú tôi không?
Thím ghe chài là hình ảnh hoán dụ chỉ người đàn bà đi trên ghe. Ghe chài là loại ghe có trọng tải lớn. Khmer có từ tuk pokchay. Tuk là tiếng Khmer nghĩa là ghe; còn pokchay nghĩa là chở đủ thứ, đó là tiếng Triều Châu đã được Khmer dùng như là tiếng Khmer.
Người Việt dịch chữ tuk ra chữ ghe, nhưng lại mượn chữ pokchay đọc thành chài. Theo Bình Nguyên Lộc người Khmer còn gọi ghe chài là thwe.
Và đây,
Trắng da vì bởi má cưng
Đen da vì bởi em lội bưng vớt bèo.
Bưng được Việt hóa từ chữ trapéang: vũng, ao; lúc đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng lại kết hợp với từ Hán Việt biên (bờ phía ngoài) rồi đọc thành bưng biền.
Những từ ngữ không xác định được nguồn gốc.
Đây là những từ vừa đồng âm vừa đồng nghĩa với tiếng Việt. Chúng tôi tra cứu nhiều tài liệu và đồng thuận với nhiều ý kiến cho rằng khó bề xác định những từ này có gốc từ tiếng Khmer được tiếng Việt vay mượn hay ngược lại nó có nguồn gốc từ tiếng Việt, được đồng bào Khmer vay mượn. Xin nêu một số ví dụ tiêu biểu sau đây:
Chuối non vú ép chát ngầm
Trai tơ đòi vợ khóc thầm ban đêm.
Ép là đẩy dính sát vào nhau, làm áp lực, người Kinh dùng từ ấy, trong khi người Khmer có tiếng ép, bòng-ep, cùng nghĩa.
Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon.
Cá linh (không rõ Khmer – Việt hay Việt – Khmer, bởi trong ngôn ngữ Khmer cũng có từ linh: chỉ loài cá!).
Xuống lên lên xuống đã quen
Bông tai hai chiếc tòn ten anh mua tặng mình.
Trong ngôn ngữ Khmer có tòn tenh oi cham, tức lặp đi lặp lại nhiều lần cho dễ nhớ, chuyển sang chữ tòn ten của Việt ngữ có nghĩa là lủng lẳng. Không biết ngôn ngữ nào vay mượn của ngôn ngữ nào?
Một số câu hát quen thuộc khác:
Bình Đông là xứ quê mùa
Đi thăm cháu ngoại một vùa cà na.
Tiếng Khmer kêu cà na là kana. Cà na là loại cây có loại màu đen, có loại màu xanh lợt, có loại màu trắng. Cà na trong tiếng Việt còn được gọi là tráp (Bắc Bộ). Cà na là từ ngữ trở thành tên gọi của một chi trong khoa học thảo mộc (canarium), bắt nguồn từ tiếng Nam Dương (Indonesia), Khmer hoặc Việt?
Thầy anh lên xuống xuống lên
Theo anh, em biết xui hên thế nào?
Hên: may mắn. Khmer có hêng, vừa đồng âm vừa đồng nghĩa. Như vậy hên chắc chắn là từ ngữ của miền Nam, có phải gốc Khmer hay không thì chưa chắc chắn.
Tiếng Khmer có ak hay k-ak là con diều. Người Việt gọi chim ác là là một loại chim săn như ó, diều, có lông trắng, thân hình nhỏ, có giọng la nhức tai mỗi khi chúng chạm trán với nhau.
Ngó lên con ác lăng xăng
Có đôi chim sẻ đang quần với nhau.
Người Việt nói ém: dấu mất, Khmer cũng nói ém cùng nghĩa. Chúng ta hãy xem câu ca mang chức năng hài hước sau đây:
Anh như du kích ém quân
Chờ khi trăng lặn mới … mần với em!
Kết luận:
Một là, ngoài hệ thống từ Hán Việt, các từ vay mượn từ tiếng Anh, tiếng Pháp thì tiếng Khmer là một bộ phận có mặt và tồn tại trong ngôn ngữ tiếng Việt. Có số ít vẫn được dùng được dạng thức phiên âm, số khác được chuyển sang ngữ âm Việt ngữ.
Chúng có nguồn gốc từ Khmer, nhưng chúng ta dùng quá lâu đời nên đã hoàn toàn Việt hóa, chúng ta không hề nghĩ đến đó là những chữ ấy có nguồn gốc từ đâu. Nhiều hơn cả là lớp từ vựng mà cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer đều tồn tại, vấn đề ai mượn của ai tức nguồn gốc chính xác của nguyên ngữ là vấn đề được đặt ra những không dễ giải quyết thấu đáo. Hy vọng sẽ đi sâu hơn đề tài này vào một dịp khác.
Hai là, qua ngôn ngữ, cụ thể hơn là ngôn ngữ ấy ẩn chứa trong những câu ca lời hát của bình dân miền quê Tây Nam Bộ chúng ta có thể nhận định sự giao lưu văn hóa, ngôn ngữ diễn ra một cách tự nhiên của hai chủng tộc sống gần nhau, và là một điểm đặc thù của nền văn hóa các tộc người trên thế giới.
Trụ sở chính: 374 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM
Liên hệ: 0707074807 Thầy Tuấn - Cô Mai để được tư vấn các khoá học tiếng Khmer phù hợp.
Related news
- Nơi luyện thi Toeic, Toefl iBT, IELTS tốt nhất quận 5 (14/02) Nguồn: https://saigonvina.edu.vn
- Vì sao nên học tiếng Anh SGV quận 5 (14/02) Nguồn: https://saigonvina.edu.vn
- Học tiếng Hàn giá rẻ ở Đà Nẵng (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn
- Nơi học Topik 1, Topik 2, Topik 3 tốt nhất tại Đà Nẵng (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn
- Nơi dạy tiếng Anh tốt nhất quận Thanh Khê, Đà Nẵng (14/02) Nguồn: https://saigonvina.edu.vn
- Học hè bán trú tại tphcm 2023 (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn
- Đối tượng và điều kiện dự thi tiếng Hàn XKLĐ năm 2023 (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn
- Lịch thi tiếng Hàn XKLĐ 2023 ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn
- Chỉ tiêu tuyển dụng XKLĐ Hàn năm 2023 (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn
- Cấu trúc đề thi tiếng Hàn EPS - TOPIK năm 2023 (14/02) Nguồn: http://saigonvina.edu.vn