Home » Triết lý Wabi Sabi Nhật Bản
Today: 29-03-2024 22:56:55

| Yêu và sống

Thứ Năm, 03 11 2011 11:41

Triết lý Wabi Sabi Nhật Bản

(Ngày đăng: 01-03-2022 00:07:59)
           
Wabi Sabi Vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường và dở dang. Cùng SGV tìm hiểu về triết lý này nhé!

Triết lý Wabi Sabi Nhật Bản

“Wabi Sabi là vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường và dở dang” – Leonard Koren, trích từ tác phẩm Wabi Sabi dành cho nghệ sĩ, nhà thiết kế, thi sĩ và triết gia. Wabi Sabi có nguồn gốc từ Phật giáo, đó là cảm quan về cuộc sống, đồng thời là một quan điểm mỹ học chi phối tư tưởng của nhiều loại hình nghệ thuật từ xưa đến nay của người Nhật.

SGV, triet ly wabi sabi nhat ban

Wabi có nghĩa là ý thức tìm kiếm cảm giác đủ đầy về tâm hồn trong sự túng thiếu, nghèo khổ. Wabi bắt nguồn từ Wabu có nghĩa là thất vọng, buồn phiền, đau khổ, sống cuộc sống nghèo nàn, tận hưởng sự tĩnh lặng, tha thứ,.... Sabi có nghĩa là vẻ đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng. Bắt nguồn từ động từ Sabu có nghĩa là sự hư hỏng dần dần theo thời gian. 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Wabi Sabi xuất hiện vào khoảng thế kỉ 15-16, khi nghệ thuật trà đạo dần được phổ biến. Vì trà đạo dạy cho người Nhật tư tưởng trân quý điều giản dị: sử dụng ấm trà cũ, chiếc tách nứt, khung cảnh nơi thưởng trà nền nã, yên bình.

Trải qua nhiều thay đổi, triết lý Wabi Sabi được hoàn thiện bởi thiền sư Matso Basho, quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, không vĩnh viễn và không trọn vẹn, vốn là ba đặc điểm hiển nhiên của vạn vật. Thời gian trôi đi, vạn vật tuy tàn phai hao mòn nhưng tích lũy được khí chất, đó là vẻ đẹp cốt lõi của sự sống, thời gian và vẻ đẹp không gì có thể sánh bằng.

Nhiều lĩnh vực nghệ thuật Nhật Bản qua hàng nghìn năm qua đã bị ảnh hưởng bởi triết học Thiền Tông và Phật giáo đại thừa, đặc biệt là sự chấp nhận và suy niệm về sự không hoàn hảo, luôn luôn biến chuyển và vô thường của vạn vật. Những nghệ thuật như vậy có thể được minh hoạ như một thẩm mỹ Wabi Sabi.

Triết lý Wabi Sabi ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật Bản, thông qua các lĩnh vực nghệ thuật như: Honkyoku (âm nhạc shakuhachi truyền thống của các tăng nhân Thiền tông lang thang), Ikebana, các khu vườn Nhật Bản, vườn thiền và bonsai, thơ Haiku, đồ gốm, tiệc trà,…

Ngày nay, Wabi Sabi vẫn được nhiều nhà thiết kế Nhật Bản và thế giới ưa chuộng. Wabi Sabi thường được kết hợp với các phong cách khác như Scandinavian (Bắc Âu), Rustic (Đồng quê), Zen (Thiền), Minimalism (Tối giản). Có thể nói, điều đáng quý nhất của triết lý Wabi Sabi là quan niệm: mọi vật đều ẩn chứa vẻ đẹp (Everything has beauty).

Chuyên mục "Triết lý Wabi Sabi Nhật Bản" do Giáo viên Trường Nhật Ngữ SGV tổng hợp. 

Nguồn: http://saigonvina.edu.vn

Related news